views
Phím giả cơ khác gì với phím cơ và ảnh hưởng gì đến trải nghiệm?
Nghe “bàn phím giả cơ” thì mấy bạn cũng biết nó khác bàn phím cơ rồi, nhưng mà khác nhau như thế nào, dùng cảm giác ra sao thì phải tìm hiểu mới biết. Trong bài viết này mình sẽ nói về những khác biệt chính giữa 2 loại bàn phím trên cũng như những ảnh hưởng của chúng đến trải nghiệm người dùng. Đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho bạn nào đang tìm hiểu về bàn phím đấy.
Phím giả cơ dùng màng cao su để tạo sức bật trong khi phím cơ dùng lò xo nên cảm giác gõ khác nhau
Phím giả cơ có thể trông chẳng khác gì phím cơ, thậm chí đến thanh niên vọc phím cơ tá lả như mình vẫn có thể nhầm như thường. Tuy nhiên chỉ cần gõ thử một phát thôi thì đảm bảo với mấy bạn mình sẽ không nhầm nữa đâu, cảm giác gõ của 2 loại bàn phím này rất khác.
Hãy thử tưởng tượng bạn đang cầm một cây bút chì có đầu tẩy đi, nếu như cảm giác gõ phím cơ giống như là bạn gõ cái ngòi xuống bàn thì cảm giác gõ phím giả cơ giống như gõ cục tẩy xuống bàn vậy. Nguyên nhân chính là sự khác biệt trong cơ chế tạo sức đàn hồi của 2 loại bàn phím này.
Phím giả cơ thì nó có một cái màng cao su nằm giữa mạch tín hiệu và phím của bàn phím. Trên màng cao su có các núm cao su, đóng vai trò tạo sức bật cho phím. Khi bạn gõ phím giả cơ thì bạn cũng gõ lên cái màng cao su này nên cảm giác sẽ êm chứ không nghe rõ tiếng lộp cộp như bàn phím cơ. Bạn nào hay chơi game đêm, cần yên tĩnh để tránh làm phiền người khác thì có thể cân nhắc chọn phím loại này. Bạn cũng cần lưu ý là không phải bàn phím giả cơ nào cũng yên tĩnh. Một số mẫu bàn phím giả cơ có bộ phận tạo tiếng clicky, tuy gõ rất sướng nhưng nó ồn như phím cơ vậy, điển hình là dòng Cynosa nhà Razer.
Đối với bàn phím cơ thì lực đàn hồi của phím đến từ cái lò xo nằm trong mỗi switch, lực gõ nặng hay nhẹ đều là do cái lò xo này. Và do nó không có màng cao su dày như phím giả cơ nên bạn gõ chạm đáy bạn sẽ nghe tiếng lộp cộp của 2 miếng nhựa cứng chạm vào nhau. Từ đó mà cảm giác gõ của phím cơ rõ ràng hơn phím giả cơ rất nhiều, gõ phát nào là chắc phát đó. Đây cũng là lý do mà rất nhiều người (trong đó có mình) quyết định chuyển sang dùng phím cơ.
Các phím trên phím giả cơ dùng chung mạch tín hiệu, phím cơ nhận tín hiệu riêng từng phím
Mạch tín hiệu của bàn phím giả cơ là 2 tấm nhựa dẻo có in mạch điện xếp chồng lên nhau, ở giữa có một lớp nhựa cách điện hờ. Nó có các điểm nhận tín hiệu tại vị trí mỗi phím trên bàn phím. Khi bạn nhấn phím thì chân phím sẽ đè lên núm cao su, sau đó thì núm cao su sẽ ép các điểm tín hiệu của 2 lá mạch nhựa này dính lại với nhau và tạo ra tín hiệu.
Còn bàn phím cơ thì khác. Sở dĩ người ta gọi bàn phím cơ là “cơ” vì bên dưới mỗi phím đều có một cái switch cơ (công tắc cơ học). Bên trong những chiếc switch đều có các lá đồng, khi bạn nhấn phím xuống thì sẽ làm 2 lá đồng chạm nhau và tạo ra tín hiệu.
Vì cơ chế nhận tín hiệu khác nhau nên điểm nhận tín hiệu của 2 loại bàn phím cũng khác nhau. Ở phím giả cơ thì bạn phải nhấn chạm đáy thì phím mới nhận, còn đối với phím cơ thì đâu đó giữa hành trình phím là nó đã nhận rồi. Đối với game thủ thì phím cơ cho thêm một chút lợi thế vì giúp thao tác nhanh và nhạy hơn những đối thủ dùng phím giả cơ.
Ngoài ra thì cơ chế nhận tín hiệu cũng là lý do dẫn đến sự khác biệt về những kiểu hỏng hóc thường gặp ở 2 loại bàn phím này. Ví dụ như con phím cơ mà bạn để đổ vài giọt nước vào thôi là nó có thể len lỏi vào switch, làm chập điện switch hay thậm chí là thấm xuống mạch làm chập mạch luôn. Ngược lại do mạch tín hiệu của phím giả cơ là 2 miếng nhựa không thấm nước nên loại bàn phím này đỡ sợ nước hơn phím cơ. Chỉ khi nào nước len lỏi vào được giữa 2 miêng mạch gây chập điện thì mới có chuyện mà thôi. Hơn nữa khi phím giả cơ vào nước nhẹ thì cũng dễ xử lý, bạn chỉ cần tháo phím ra và lau thật kỹ 2 mặt mà 2 miếng nhựa này tiếp xúc với nhau thôi.
Phím giả cơ không thay keycap được, phím cơ thì có
Keycap trên bàn phím giả cơ có 2 phần là mũ phím và chân phím dính liền vào nhau. Mỗi mẫu bàn phím giả cơ lại có một tiêu chuẩn riêng nên bạn không thể thay đổi keycap trên phím giả cơ được. Cái đó là đặc quyền của bàn phím cơ.
Ở bàn phím cơ thì keycap không dính liền với switch và có thể gỡ ra dễ dàng. Hầu hết các mẫu bàn phím cơ trên thị trường hiện nay đều dùng switch cơ của Cherry hoặc theo tiêu chuẩn Cherry nên bạn có thể lấy keycap của con này thay cho con khác. Ngoài ra thì cũng có nhiều hãng chuyên làm các bộ keycap rời với nhiều chất liệu và màu sắc khác nhau cho bạn tha hồ lựa chọn. Thế nên nếu bạn muốn có khả năng thay đổi keycap thì bạn chắc chắn sẽ phải lựa chọn bàn phím cơ.
Tổng kết
Bàn phím giả cơ có thiết kế đơn giản để hướng đến mức giá dễ chịu, phù hợp cho những ai muốn tiết kiệm chi phí mua bàn phím. Bàn phím giả cơ giá tầm 1 triệu đồng thôi đã là xịn lắm rồi, giá mềm hơn thì còn vô số mẫu cho bạn tha hồ lựa chọn.
Bàn phím cơ thì đắt hơn được thiết kế để hướng đến cảm giác gõ tốt nhất. Phím cơ mà dùng được thì phải tầm 500 nghìn đồng trở lên, những mẫu cao cấp nhất thị trường phổ thông có thể lên đến trên 5 triệu đồng. Chính vì thế nên chúng phù hợp với những ai muốn có trải nghiệm tốt nhất và không ngại chi.
Mình đã làm 2 cái bảng dưới đây cho mấy bạn dễ nhớ rồi nhé
Trên đây là những sự khác biệt cơ bản của bàn phím cơ và giả cơ cũng như sự ảnh hưởng của chúng đến trải nghiệm người dùng. Hồi xưa mình cũng thắc mắc mà đâu ai nói mình nghe đâu, tuy nghe đơn giản vậy thôi toàn phải đi đọc chỗ này chỗ nọ rồi trải nghiệm thực tế mới biết được. Mong rằng bạn nào đang tìm hiểu về bàn phím giống mình ngày xưa sẽ thấy bài viết này hữu ích. Cảm ơn các bạn vì đã đọc nhé.